Teya Salat
02:47 | 23/01/25
Trang Chủ

co the lam lai tu dau

Tôi sinh ra đã là một đứa trẻ mồ côi cha. 16 tuổi, trái tim non nớt của một cô gái thôn quê như tôi đã phải trả giá sau một cuộc tình vụng trộm.



Bào thai cứ mãi lớn dần mà không được thừa nhận. Chỉ có mẹ bên cạnh và chăm sóc tôi những ngày “vượt cạn”.

Rồi mẹ tôi không qua khỏi sau một cơn bạo bệnh. An táng cho mẹ xong, tôi mang một món nợ lớn sau những chuỗi ngày thuốc thang chạy chữa. Ôm đứa con thơ vào lòng, với vốn liếng chỉ 5.000 đồng, tôi quyết định lên thành phố Huế để kiếm tiền trả nợ và ước mong được đổi đời. Cuộc sống đô thị trái ngược với những suy nghĩ đơn giản của cô gái chốn quê nhà như tôi. Tôi đã không tránh khỏi những cám dỗ của cuộc đời, để rồi tìm đến với một cái nghề mà người đời khinh rẻ: làm gái bia ôm. 

Tôi trở thành một người hoàn toàn khác. Tôi hát và chiều lòng khách bằng những cái vuốt ve. Tuy đã là người dấn thân vào chốn “bùn lầy” nhưng tôi quyết giữ mình, không ngủ với khách. Bởi tôi rất sợ bị công an bắt đi cải tạo thì đứa con của tôi sẽ không nơi nương tựa. Nhưng tên bảo kê đã hết sức phẫn nộ khi biết tôi không chịu “nhảy chúi” (ngủ với khách). Hắn điên cuồng hăm dọa và xông tới chuẩn bị đánh tôi. Chính trong lúc hỗn loạn ấy đã có một người đàn ông ra tay cứu giúp. Sau này, tôi được biết anh từng là một trong những cầu thủ của đội bóng Bình Trị Thiên.

Sau lần gặp đó, anh thường đến thăm tôi, hỏi han và chia sẻ. Trái tim tôi dần dần được sưởi ấm nhờ sự quan tâm của anh. Chúng tôi yêu nhau tự lúc nào không biết. Anh ngỏ lời cầu hôn khiến tôi trở nên ngỡ ngàng. Mẹ anh đã ngất lên ngất xuống khi nghe con trai nói muốn kết hôn với một cô gái bia ôm. Nhưng anh đã chấp nhận rời gia đình để cùng tôi về quê nghèo làm lại cuộc đời.

Cuộc sống của vợ chồng tôi những tháng ngày đầu thật khó khăn nhưng cũng đầy hạnh phúc. Để nuôi mẹ con tôi, từ sáng sớm anh đã vào rừng lấy củi. Anh nhận làm thuê cho những ai có việc với số tiền ít ỏi. Có khi anh lại ra đầu làng để sửa xe đạp, tìm cách mưu sinh, nuôi sống gia đình bé nhỏ của chúng tôi. Vậy mà vẫn khổ, bờ vai anh đã bị lột rách vì vác củi. Tôi vừa thương anh mà cũng vừa sợ anh nản. Đến năm 1999, tôi sinh cho anh một cu cậu kháu khỉnh. Anh hạnh phúc đến tuôn trào nước mắt. Khó khăn chồng chất, bao nhiêu công việc từ lớn đến nhỏ đều đổ lên đầu anh. Thấy khổ quá, tôi nghĩ phải tìm việc gì đó để làm. Nghe theo một người bạn, gia đình chúng tôi vào Đà Nẵng cùng mọi người đi lấy củi thước về bán. Cứ mỗi sáng sớm, hai vợ chồng phải bơi qua một con sông để tiết kiệm tiền đi đò, vào rừng lấy củi, cả ngày làm cũng chỉ được 20.000 đồng. Một ngày, lúc hai vợ chồng tôi đang lấy củi thì gặp một người dân tộc thiểu số, họ hỏi chúng tôi không biết chữ hay sao mà không đọc được bảng “cấm phá rừng” ở trước mặt. Nghe xong câu nói, tôi vừa thẹn với người dân tộc thiểu số ấy mà cũng vừa tủi cho cái nghèo.

Vợ chồng tôi lại khăn gói về quê. Tôi nghĩ tại sao mình chỉ nghĩ đến phá rừng mà lại không biết trồng rừng. Năm 2003, tôi về xin làm dự án “Phủ kín đất trống đồi trọc” ở ngay trên vùng núi Khe Băng quê mình. Tự dưng tôi trở nên mê rừng từ lúc nào không hề hay biết. Đến năm 2006, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã hỗ trợ tôi một dự án nuôi cá rô phi. Thật không ngờ chính nguồn nước sạch của khe đã giúp cá mau lớn và chỉ sau một thời gian ngắn tôi đã thu hoạch được 3 tạ cá. Trang trại của tôi ngày một phong phú hơn, bao gồm 4ha rừng, 1 hồ cá, 5 sào vườn cây ăn quả và 2ha măng cao sản.

Giờ đây, mọi người khi tìm đến nhà tôi đều hỏi là: “Có biết chị Thùy hoàn lương về làm trang trại không?”. Tôi không xấu hổ bởi hiểu rằng không ai có thể chối bỏ quá khứ của mình, nhưng tất cả đều có thể làm lại từ đầu.